Thuốc Levodopa (Mardopa) trong điều trị bệnh Parkinson có thể gây tương tác với nhiều loại thuốc nguy hiểm và chống chỉ định với nhiều bệnh.

Levodopa được xem là tiêu chuẩn vàng trong điều trị bệnh Parkinson. Khi sử dụng cần chú ý tới sự đáp ứng, dung nạp thuốc vì vấn đề này lệ thuộc vào từng người bệnh, liều dùng và thời gian dùng thuốc. Levodopa có thể gây ra các tác dụng ngoại ý ở đường tiêu hóa và ngoại vi như chán ăn, buồn nôn, táo bón, nước tiểu và các dịch cơ thể có màu vàng (trong hầu hết người dùng lúc đầu), ra mồ hôi, hạ huyết áp, loạn nhịp tim (1%). Ngoài ra thuốc còn gây mất ngủ, lú lẫn, trầm cảm, loạn thần hay tăng enzym gan, ngoại tháp (do quá liều).

Khi dùng các biệt dược lần đầu hay chuyển sang biệt dược mới, kéo dài thời gian dùng... đều phải có thầy thuốc thăm dò, quyết định, duy trì hay thay đổi liều cho thích hợp. Phải khởi đầu dùng liều thấp sau đó tăng dần, dùng 6 - 7 hoặc 8 ngày tăng một lần, với từng mức tăng nhỏ cho đến khi đạt yêu cầu.

Levodopa-co-the-gay-ra-nhieu-tac-dung-phu-nguy-hiem

Levodopa có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm

Levodopa chống chỉ định (hạn chế) với một số bệnh

Levodopa làm giảm triệu chứng cứng cơ và vô động nhưng ít tác dụng lên triệu chứng run khi nghỉ. Với người chỉ bị Parkinson, dùng Levodopa khá an toàn nhưng với người bị kèm các bệnh khác thì dùng Levodopa dễ gặp biến cố.

Ví dụ, với người có u hắc tố ác tính hoặc tổn thương da hay có tiền sử bệnh này, Levodopa kích hoạt các u và tổn thương trên da. Với người bị Glaucoma góc đóng, Levodopa làm nặng thêm bệnh do tăng áp lực ở mắt. Với người bị bệnh loạn thần hoặc nhiễu tâm nặng, suy tim mất bù, người bị bệnh gan thận, các tác dụng ngoại ý của Levodopa làm nặng thêm bệnh. Với người bị bệnh nội tiết (cường giáp, đái tháo đường), Levodopa có thể gây nặng hay làm thay đổi theo hướng không lợi. Do thế, phải khám tổng quan trước, khi chắc chắn không có các bệnh này mới dùng Levodopa.

Trong quá trình dùng thuốc, cần khám định kỳ nếu phát hiện bị mắc thêm các bệnh trên thì cần ngừng Levodopa. Trong một số trường hợp đặc biệt, người bệnh mắc các bệnh trên ở thể nhẹ, hoặc mắc các bệnh liên quan đến các bệnh trên (như có tiền sử nhồi máu cơ tim, suy động mạch vành, loạn nhịp tim, hạ huyết áp, cường giáp, đái tháo đường...) nếu thật cần thiết thầy thuốc cũng có thể cho dùng Levodopa nhưng phải theo dõi rất cẩn thận diễn biến của bệnh.

Levodopa tương tác với nhiều loại thuốc

Dùng chung với các thuốc chống trầm cảm IMAO, gây tăng huyết áp (phải ngừng dùng IMAO ít nhất là 2 tuần mới được dùng Levodopa). Dùng chung với các thuốc chống trầm cảm 3 vòng, gây nặng thêm tình trạng hạ huyết áp tư thế đứng, ảnh hưởng đến hấp thu Levodopa và cũng có thể xảy ra loạn động.

Dùng chung với các thuốc chống loạn thần khác, thuốc chống loạn thần sẽ đối kháng với Levodopa làm giảm hiệu lực của thuốc (tránh các phối hợp này). Nếu có trường hợp đặc biệt cần phải dùng chung thì phải thận trọng.

Khi dùng chung với các thuốc hạ huyết áp (như Methyldopa hay Guanethidin), làm tăng thêm tác dụng hạ áp, có thể gây nguy hiểm. Trường hợp đặc biệt phải dùng chung thì phải tính lại liều để tránh hạ huyết áp quá mức.

Khi kết hợp với vitamin B6 thì vitamin B6 làm đảo ngược tác dụng của Levodopa (khi dùng Levodopa đơn độc). Không nên dùng các chế phẩm vitamin trong thời gian dùng Levodopa. Một số loại thực phẩm như chuối, thịt bò, gan, bột yến mạch, đậu phộng, khoai tây và ngũ cốc nguyên hạt… cũng chứa nhiều vitamin B6 vì vậy nên dùng có chừng mực.

Có thể phối hợp với các thuốc kháng Acetylcholin với Levodopa để làm giảm run trong hội chứng Parkinson nhưng sự phối hợp này cũng có thể làm trầm trọng thêm các tác dụng bất thường; nếu muốn phối hợp phải cân nhắc và có biện pháp phòng các nguy cơ có thể xảy ra.

Dùng Levodopa cùng với thuốc gây mê (Hydrocarbon Halogen), có thể bị loạn nhịp tim. Cần phải ngừng Levodopa ít nhất là 24 giờ trước khi gây mê.

Chất đạm (protein) có trong thức ăn cũng có thể ngăn cản sự hấp thu Levodopa, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc. Vì vậy, nên chia bữa ăn đạm thành nhiều lần hoặc ăn vào ban đêm để tránh tương tác thuốc và đảm bảo cơ thể không bị thiếu đạm.

Nói chung, trong thời gian dùng Levodopa, muốn dùng thêm bất cứ loại thuốc nào khác đều phải hỏi ý kiếncủa bác sỹ để tránh các tương tác bất lợi trên. Tránh dùng Levodopa cho người dưới 25 tuổi, phụ nữ mang thai và cho con bú.


Theo báo SK & ĐS

BTV Lan Anh

Vương Lão Kiện Giúp giảm run tay chân, phục hồi khả năng vận động

Bình luận