Bên cạnh dùng thuốc, dinh dưỡng và nghỉ ngơi thì hoạt động thể lực là yêu cầu không thể thiếu giúp người bệnh sau nhồi máu cơ tim và phẫu thuật tim trở lại cuộc sống tốt hơn, hạn chế bệnh tái phát.

Chọn đi bộ với bước đi dài

Tập thể dục cũng là một cách giúp cho các bệnh tim không tái phát
Tập thể dục cũng là một cách giúp
cho các bệnh tim không tái phát

Thông thường người bệnh nên trở lại các hoạt động bình thường sau 3 – 4 tuần. Mức độ tập luyện phụ thuộc hoạt động thể lực ưa thích, tình trạng sức khỏe và sự phù hợp. Nên đạt được ít nhất 30 phút tập luyện thể lực với mức độ trung bình mỗi ngày. Với những người mới khỏi bệnh, chưa thể tập đến mức thời gian đó ngay thì nên tìm một mức hoạt động thể lực phù hợp nhất bằng cách tự để ý, nếu nói chuyện trong khi luyện tập mà không bị thở gấp thì mức đó phù hợp. Chạy nhanh, chạy đường dài, tập tạ có thể làm tăng huyết áp, do đó người bệnh nên tránh. Trong các bài tập rèn sức bền, đi bộ nhanh với bước đi dài là phương pháp phù hợp nhất với người bệnh sau nhồi máu cơ tim và phẫu thuật tim. Liều lượng tập phù hợp nhất là đi bộ nhanh 5 – 7 buổi mỗi tuần, mỗi buổi 20 – 40 phút, tùy sức khỏe. Người tập phải học cách tự kiểm tra trạng thái cơ thể. Khi tập luyện chọn mặc quần áo và đi giày phù hợp thời tiết và hoạt động thể lực. Phải luôn có cảm giác thoải mái trong khi tập luyện. Nếu trong lúc tập có cảm giác nặng ở ngực, đánh trống ngực, khó thở, mệt hay chóng mặt thì phải giảm tốc độ hoặc ngừng tập ngay, đồng thời kiểm tra sức khỏe tại các cơ sở y tế. 

Cải thiện tâm lý người bệnh 

Sau một cơn đau tim, người bệnh thường có những cảm xúc tiêu cực như: sợ hãi, trầm cảm, lo lắng. Những cảm giác này kéo dài khoảng 2 - 6 tháng. Chúng có thể ảnh hưởng đến khả năng tập thể dục, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, đến công việc và có tác động tiêu cực đến sự phục hồi của người bệnh.Cai-thien-tam-ly-cho-nguoi-benh

Hãy trao đổi với bác sĩ hoặc một chuyên gia tâm lý để giúp đối phó với những cảm xúc tiêu cực. Người bệnh sẽ cảm thấy thoải mái và nhẹ nhàng hơn khi được nói được ra những cảm xúc của mình, vì vậy đừng ngại ngần chia sẻ những khó khăn với gia đình và bác sĩ của bạn. Hành động đơn giản này có thể mang lại hiệu quả không ngờ cho sức khỏe người bệnh.

Nhiều bệnh viện có một chương trình phục hồi chức năng mà người bệnh có thể tham gia như một bệnh nhân ngoại trú. Tham gia vào các hoạt động đó sẽ giúp tăng tốc độ phục hồi; người bệnh sẽ được làm việc với những chuyên gia về sức khỏe tim mạch và họ sẽ chỉ cách để có những thay đổi tích cực trong cuộc sống, giúp bảo vệ và tăng cường sức khỏe trái tim. Các chương trình phục hồi bệnh tim hiệu quả nhất bao gồm 3 phần: các hoạt động thể chất được hướng dẫn bởi một chuyên gia; các lớp học về các yếu tố nguy cơ tim mạch và cách để giảm bớt những rủi ro; các biện pháp hỗ trợ đối phó với căng thẳng, lo âu và trầm cảm.

Thủ sẵn nitroglycerine bên người

Nếu các hoạt động thể lực của ngày hôm trước khiến cơ thể mệt mỏi thì nên nghỉ một ngày để hồi phục lại sức khỏe hoàn toàn. Nếu bị chóng mặt, thở gấp, nhịp tim không đều hay đau ngực hãy đi chậm lại hoặc dừng hẳn cho đến khi các dấu hiệu trên qua đi. Các cơn đau thắt ngực hay khó chịu ở ngực xuất hiện khi tập luyện thì nên nghỉ ngơi, ngậm hoặc xịt thuốc nitroglycerine dưới lưỡi và báo ngay với bác sĩ điều trị để có những tư vấn kịp thời. Nếu đau ngực hay cảm giác khó chịu ở ngực không đỡ, hãy dùng lại thuốc trên sau năm phút. Nếu các dấu hiệu không hết hoàn toàn trong vòng 10 – 15 phút sau khi đã nghỉ ngơi và dùng thuốc, có thể bị nhồi máu cơ tim tái phát, cần đến các trung tâm cấp cứu ngay lập tức. Tất cả các bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, phẫu thuật tim, can thiệp động mạch vành hay bệnh tim hoặc mạch máu khác nên tham gia một chương trình phục hồi chức năng tim và phòng bệnh phù hợp. Tận dụng tối đa điều kiện có thể đi bộ như leo cầu thang bộ, đi bộ đến các cửa hàng, chợ, nơi làm việc… thay cho các hình thức di chuyển khác như ôtô hay xe máy.

Bỏ thuốc lá giúp giảm một nửa nguy cơ tái phát bệnh tim

Để phát huy hiệu quả hoạt động thể lực, người bệnh sau nhồi máu cơ tim và phẫu thuật tim cần ngừng hút thuốc lá. Lợi ích của ngừng hút thuốc lá gần như đạt được tức thì. Sau một năm cai thuốc lá, nguy cơ bị nhồi máu cơ tim tái phát giảm đi một nửa. Bên cạnh đó nên hạn chế những thức ăn có chứa chất béo bão hòa có trong các sản phẩm sữa, pho mát, thịt mỡ, bơ, dầu dừa, dầu cọ và hầu hết các thức ăn nhanh, các loại bánh như bích quy, bánh gatô. Thay thế bằng các thức ăn có chứa một lượng trung bình các chất béo đa chuỗi và đơn chuỗi không bão hòa như dầu ôliu, dầu hướng dương, dầu đậu nành và dầu lạc. Lựa chọn các thức ăn có nguồn gốc thực vật như rau xanh, hoa quả và một số loại đậu, các thức ăn làm từ ngũ cốc như bánh mì, mì sợi, bánh đa, bánh phở và ăn một lượng trung bình thịt nạc, thịt gia cầm, cá và ăn hạn chế các sản phẩm có mỡ.

Một chế độ ăn uống lành mạnh cho trái tim

Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, một chế độ ăn uống lành mạnh cho tim cần: hạn chế tối đa chất béo; chứa ít nhất 4-5 cốc trái cây và rau mỗi ngày; ăn ít nhất 3,5 ounce tương ứng với khoảng 100gam cá mỗi tuần; ít nhất 1 ounce (~ 30gam) ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ mỗi ngày; hàm lượng Natri thấp (ít hơn 1.500 mg mỗi ngày) và không quá 36 ounce (~ 1kg) đồ uống có đường ngọt một tuần.

Hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc tham khảo chuyên gia dinh dưỡng về một số thức ăn bạn không nên ăn, họ có thể giúp bạn lên kế hoạch thực đơn và tìm ra những công thức nấu ăn tốt nhất.

 TS.BS Nguyễn Quang Tuấn - Viện Tim mạch Việt Nam

BTV Lan Anh

Ích Tâm Khang –  Hỗ trợ giảm khó thở, hồi hộp, xơ vữa mạch vành ở người bệnh tim mạch, suy tim

Bình luận