Thiệt hại do bệnh tiểu đường gây ra ảnh hưởng đến tất cả các bộ phận của cơ thể, từ não đến chân. Đường huyết tăng cao kéo dài đã “tàn phá” các mạch máu - gốc rễ sinh biến chứng tiểu đường. Điều trị bệnh tiểu đường không thể tách rời được mục tiêu kiểm soát đường huyết. Mới đây nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Y Harvard, Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng: kiểm soát đường huyết chặt chẽ giúp làm giảm nguy cơ biến chứng tim mạch và đột quỵ ở người bệnh tiểu đường.

Những mối nguy hiểm khi đường huyết tăng cao kéo dài

Bệnh tiểu đường type 2 được đánh dấu bằng nồng độ đường trong máu tăng cao. Qua thời gian, đường huyết tăng cao kéo dài làm hư hại hệ thống mạch máu nhỏ (vi mạch) trên khắp cơ thể. Sự tổn thương này làm tăng nguy cơ dẫn tới biến chứng suy thận, biến chứng thần kinh, đoạn chi và mù lòa.

Thế nhưng, nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong ở người bệnh tiểu đường lại là biến chứng trên tim mạch, trong đó bao gồm sự tổn thương của các mạch máu lớn trong cơ thể. Khoảng 2/3 trong số người bệnh tiểu đường được xác định tử vong do bệnh tim, đột quỵ và các vấn đề liên quan đến tim mạch khác.

 Bệnh tiểu đường làm gia tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ

Bệnh tiểu đường làm gia tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ

HbA1c là một trong những xét nghiệm giúp đánh giá khả năng kiểm soát đường huyết trong vòng 2-3 tháng. Đối với một số người mắc bệnh tiểu đường type 2, chế độ ăn uống khoa học và tập thể dục thường xuyên có thể giúp kiểm soát đường huyết, nhưng một số người khác cần phải phối hợp thêm thuốc hạ đường huyết. Mục tiêu trong việc điều trị nhằm kiểm soát đường huyết chặt chẽ, duy trì chỉ số HbA1c dưới 7%.

Trước đây đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng kiểm soát đường huyết chặt chẽ làm giảm nguy cơ tổn thương hệ vi mạch. Những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, hệ thống mạch máu lớn cũng hưởng lợi ích từ việc làm này.

Những lợi ích khi kiểm soát đường huyết chặt chẽ

Nghiên cứu đã được thực hiện trong vòng 10 năm bằng theo dõi đường huyết của 1791 cựu chiến binh Mỹ mắc bệnh tiểu đường type 2 có độ tuổi trung bình là 60. Những quân nhân này được phân ngẫu nhiên vào nhóm điều trị chuyên sâu nhằm giữ HbA1c xuống mức thấp hơn và một nhóm điều trị với phác đồ chuẩn có mức HbA1c cao hơn. Trong cả hai nhóm điều trị, người bệnh có thể phải kết hợp giữa thuốc uống hạ đường huyết và thuốc tiêm insuslin nếu cần thiết.

Khi đó, các nhà nghiên cứu ghi nhận được mức độ HbA1c trung bình của nhóm điều trị chuyên sâu là gần 6.9% và nhóm còn lại là 8.4%. Hơn 1600 người tham gia đã được so sánh các vấn đề về tim mạch, chẳng hạn như cơn đau tim, đột quỵ. Nhóm nghiên cứu thấy rằng, nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ có tỷ lệ thấp hơn 17% ở nhóm kiểm soát đường huyết chặt chẽ.

Mặc dù kiểm soát đường huyết chặt chẽ mang lại nhiều lợi ích, nhưng chúng vẫn tồn tại một số nhược điểm. Bởi ở nhóm bệnh nhân này việc đưa đường huyết xuống quá thấp đã làm tăng nguy cơ hạ đường huyết - một biến chứng cấp tính nguy hiểm nếu không sớm được xử lý. Bên cạnh đó, để đưa giá trị đường huyết về mức thấp, đòi hỏi người bệnh phải kiểm soát rất chặt chẽ chế độ ăn, luyện tập, dẫn tới tình trạng căng thẳng. Mặt khác, người bệnh sẽ buộc phải sử dụng một số loại thuốc hạ đường huyết dẫn tới tăng nguy cơ tác dụng phụ.

Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu khuyến cáo, người bệnh tiểu đường tốt nhất không nên tự ý kiểm soát đường huyết về mức thấp, cho dù biết đó là điều có lợi. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị để được tư vấn cho mình các phương pháp phù hợp nhất.

Biên tập viên sức khỏe Đông Tây

Theo nguồn: http://www.health.harvard.edu/blog/tight-blood-sugar-control-in-type-2-diabetes-linked-to-fewer-heart-attacks-and-strokes-201506048059

 

Bình luận