Với sự phát triển của khoa học – kỹ thuật, hạt nano (có kích thước bằng 1 phần tỷ của 1 mét) ngày càng được ứng dụng rộng rãi, đặc biệt là trong các sản phẩm y sinh, độc tính của nó đã được công nhận phù hợp với các điều kiện chung cho phép. Tuy nhiên, vào năm 2015 vừa qua, trên tạp chí Chất độc môi trường thì đội ngũ nhà khoa học người Israel đã công bố: Tiếp xúc với các hạt nano silicon dioxide (SiO2) có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim khi các hạt này đi qua các mô và hàng rào tế bào, sau đó xâm nhập vào hệ tuần hoàn.

Tiep-xuc-voi-hat-nano-thoi-gian-dai-co-the-gay-hai-den-suc-khoe-tim-mach

Tiếp xúc với hạt nano thời gian dài có thể gây hại đến sức khỏe tim mạch

Hạt nano gây hại sức khỏe tim mạch như thế nào

Nhóm nghiên cứu bao gồm các nhà khoa học thuộc Khoa Y học Technion Rappaport, trung tâm y tế Rambam, Trung tâm Khoa học tiếp xúc và sức khỏe môi trường, đại học Isarel. Giáo sư Michael Aviram đến từ khoa Y học Technion - tác giả chính của nghiên cứu - cho biết: “Môi trường làm việc tiếp xúc với các hạt nano đang trở thành vấn đề không thể tránh khỏi do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ nano. Đặc biệt đối với những người nghiên cứu ở phòng thí nghiệm và ngành công nghệ cao – nơi công nhân xử lý, sản xuất, sử dụng các hạt nano là đối tượng tiếp xúc trường diễn.  Các sản phẩm sử dụng hạt nano silica dựa trên công nghệ y sinh bao gồm chip điện tử, vận chuyển thuốc hoặc gen, chất dùng trong chẩn đoán hình ảnh, sóng siêu âm… cũng có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch cho người sử dụng.

Bằng chứng chứng minh hạt nano gây hại cho tim

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã tiến hành nuôi cấy các tế bào chuột trở thành tương tự như tế bào ở thành động mạch, sau đó cho chúng cho tiếp xúc với hạt nano silicone dioxide và theo dõi những ảnh hưởng. Kết quả cho thấy, các hạt nano SiO2 đều độc và có tác dụng đáng kể trên các đại thực bào, đây là thành phần có khả năng thu nhận LDL-cholesterol trong lòng động mạch tạo thành tế bào bọt – tiền đề của mảng xơ vữa. Và dẫn đến hàng loạt biến cố tim mạch như tình trạng xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

Lam-viec-trong-moi-truong-hat-nano-co-nguy-co-cao-bi-dot-quy

Làm việc trong môi trường hạt nano có nguy cơ cao bị đột quỵ

Dưới tác động của quá trình viêm, sự tập trung của các đại thực bào ở thành động mạch khi nồng độ cholesterol, triglycerid, máu cao, stress oxy hóa diễn ra mạnh mẽ, thì tốc độ tạo thành “tế bào bọt” càng tăng nhanh và thúc đẩy quá trình xơ vữa mạch diễn ra.

Thí nghiệm tương tự cũng được tiến hành đối với hạt siêu mịn, kết quả cho thấy cả hai loại hạt này khi người ta hít phải đều có thể gây ra hiệu ứng sinh học tiêu cực. Nhóm nghiên cứu nhận thấy độc tính của hạt nano SiO2 có ảnh hưởng đáng kể đến sự tích tụ triglycerid trong các đại thực bào ở mọi nồng độ tiếp xúc, đồng thời, chúng cũng làm tăng quá trình stress oxy hóa và nhiễm độc tế bào. Tuy nhiên, tác động của chúng đến sự phát triển xơ vữa mạch vẫn chưa được biết đến trước khi nghiên cứu này được công bố.

Gia tăng người mắc bệnh tim do tiếp xúc với hạt nano

Thông tin gần đây nhất của Hiệp hội Tim mạch Mỹ đã khẳng định rằng các “hạt mịn” trong không khí ô nhiễm có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, vấn đề này cần được nghiên cứu thêm nữa để xem xét vai trò của các hạt này về sự phát triển xơ vữa mạch và nguy cơ tim mạch.

Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, số lượng các sản phẩm tiêu dùng có nguồn gốc từ hạt nano đã tăng lên gấp ngàn lần trong những năm gần đây, ước tính tổng giá trị trên thị trường thế giới khoảng 3 tỷ đô năm 2020. Thực tế này cũng khẳng định con người ngày càng tiếp xúc và tương tác nhiều hơn với các hạt nano SiO2 trong cơ thể.

Mặc dù, công nghệ nano là bước tiến mới và mang lại nhiều lợi nhuận cho nền kinh tế, nhưng kết quả nghiên cứu trên lại là lời cảnh báo về nguy cơ bệnh tim mạch khi tiếp xúc với hạt nano. Do vậy, chúng ta cần có những lựa chọn và phương pháp bảo vệ thông minh để đảm bảo sức khỏe tim mạch cho chính mình cùng với gia đình trong thời kỳ phát triển như “vũ bão” của nền khoa học kỹ thuật hiện nay.

Biên tập viên sức khỏe Đông Tây

Nguồn tham khảo: www.cathlabdigest.com

Bình luận