Câu đằng có tên khoa học là Uncaria rhynchophylla (Miq.) Jacks, thuộc họ Cà phê - Rubiaceae. Đây là một loại dây leo, thường mọc ở nơi mát. Lá mọc đối có cuống, hình trứng đầu nhọn, ở mặt lá có gai mọc cong xuống trông như lưỡi câu nên có tên gọi là câu đằng.


Cây mọc hoang ở vùng thượng du Cao Bằng, Lào Cai. Người ta cắt lấy những mẩu cành (chỉ dùng phần đốt có móc câu) đem phơi hoặc sấy khô. Có đốt có 1 móc, có đốt có 2 móc câu. Loại 2 móc câu tốt hơn và được dùng làm vị thuốc.
Câu đằng có thành phần hóa học chính là alcaloid, trong đó hoạt chất chính là Rhynchophyllin chiếm 28,9%.

Trong lịch sử y học Trung Quốc, Câu đằng đã được sử dụng như một vị thuốc quý để trị các bệnh rối loạn về chức năng của hệ thống thần kinh.

Nhiều tài liệu cổ cho thấy, Câu đằng có tác dụng trấn kinh, điều trị co giật, chống động kinh, chữa chóng mặt, hoa mắt, nhức đầu, cao huyết áp.

Tác dụng của Câu đằng trong bệnh Parkinson

Gần đây, một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tại Trường Y học Trung Quốc, dẫn đầu bởi Phó Giáo sư Tiến sĩ Li Min, đã cho thấy hiệu quả của Câu đằng trong điều trị bệnh Parkinson.

Với kết quả nghiên cứu này, các nhà khoa học đã đề xuất một bằng sáng chế tại Mỹ, và sẽ sớm bắt đầu giai đoạn thứ hai của thử nghiệm lâm sàng với 70.000 USD được cấp từ Cục Thực phẩm và Y tế của Chính phủ Hồng Kông.

Các nhà nghiên cứu đã xác định được một hợp chất hoạt động là Isorhynchophylline (IsoRhy) trong Câu đằng như một chất cảm ứng tự tiêu tiềm năng của tế bào thần kinh, thúc đẩy dọn sạch protein alpha-synuclein – một protein gây bệnh cho các tế bào thần kinh ở bệnh nhân Parkinson.

Dựa trên những nghiên cứu dược lý trước đó, nhóm nghiên cứu của Li tiến hành một nghiên cứu thí điểm lâm sàng về hiệu quả của một toa thuốc Đông Y có chứa Câu đằng, Đảng sâm, Phục Linh, Thương truật và Cam thảo.

Từ 2007 đến 2009, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy hiệu quả điều trị của đơn thuốc này trên 47 bệnh nhân từ 50 đến 74 tuổi, đã bị bệnh Parkinson trong 18 tháng đến 11 năm, và đang được sử dụng thuốc Tây để điều trị.

Trong giai đoạn 24 tuần nghiên cứu lâm sàng, 47 bệnh nhân vẫn tiếp tục dùng thuốc Tây, trong số đó 22 người dùng kèm đơn thuốc Đông Y, và 25 người còn lại dùng kèm giả dược.

Nghiên cứu cho thấy rằng nhóm bệnh nhân được điều trị kèm với đơn thuốc Đông Y đã được cải thiện rõ rệt kỹ năng giao tiếp, tình trạng co cứng cơ, cùng các triệu chứng như lo âu, trầm cảm, khó ngủ, táo bón, và chán ăn. Ngoài ra, không ghi nhận thấy những tác dụng phụ rõ ràng ở cả hai nhóm trong suốt thời gian nghiên cứu.

Các nhà khoa học cũng đã bắt đầu mời các bệnh nhân mắc bệnh Parkinson từ 18 đến 80 tuổi tham gia vào 40 tuần của giai đoạn thử nghiệm nghiên cứu lâm sàng thứ hai.

Tác dụng bảo vệ tế bào thần kinh của Câu đằng

Một nghiên cứu khác cũng đã được các nhà khoa học Trung Quốc tiến hành để chứng minh tác dụng bảo vệ tế bào thần kinh và chống động kinh của Câu đằng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, Câu đằng có tác dụng bảo vệ tế bào thần kinh khỏi quá trình thoái hóa, lão hóa của tế bào. Bên cạnh đó, sau 6 tuần uống Câu đằng các cơn co giật động kinh trên chuột đã bị suy yếu đáng kể.

Ngoài việc chứa các alcaloid hoạt động, các nhà khoa học còn nghĩ rằng trong Câu đằng có một số axit amin và peptide, có thể giống như các tiền chất dinh dưỡng của các chất dẫn truyền thần kinh (GABA), giúp làm giảm sự phóng điện bất thường có thể xảy ra trong các tế bào thần kinh.

Ngoài ra, Câu đằng còn có tác dụng hạ huyết áp thông qua việc ức chế hệ thần kinh giao cảm và làm giãn các mạch máu ngoại vi.

DS Thu Thảo

Bình luận